Cách chăm sóc trẻ khi bị tay chân miệng cha mẹ cần nắm rõ

Tay chân miệng là một căn bệnh phổ biến thường gặp đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nó cũng có thể gọi là dịch bệnh. Bệnh này vốn dĩ là lành tính nhưng nếu như gia đình không biết cách chăm sóc và điều trị cho trẻ thì dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm não, viêm màng não. Bệnh lây qua hệ tiêu hóa, lúc tiếp xúc với nước bọt của người nhiễm bệnh là khả năng lây lan phổ biến và nhanh nhất. Sau đây mời các bậc phụ huynh cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh cũng như cách chăm sóc cho trẻ qua bài viết của chúng tôi.

Tay chân miệng là bệnh gì?

Khái niệm

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người. Nó dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, loét miệng, đau miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Các giai đoạn của bệnh

Giai đoạn ủ bệnh: Vi rút xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày.

Giai đoạn khởi phát: 1 – 2 ngày, ở giai đoạn này trẻ có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3 – 10 ngày. Các triệu chứng điển hình của bệnh như: Loét miệng: vết loét đỏ, các vết phỏng nước đường kính từ 2 – 3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi. Trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.

Các nốt phát ban dạng phỏng nước: Xuất hiện các bóng nước từ 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Chúng có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau, bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban. Các nốt phát ban sẽ tồn tại trong khoảng 7 ngày và tự biến mất nhưng sẽ để lại vết thâm, không loét và ít khi bội nhiễm. Ngoài ra trẻ có thể bị sốt nhẹ, nôn.

Những nốt phỏng khi bị tay chân miệng dễ gây thành vết thâm
Những nốt phỏng khi bị tay chân miệng dễ gây thành vết thâm

Đa số các trường hợp nhẹ, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8 – 10 ngày. Trường hợp trẻ sốt cao, kéo dài và nôn nhiều có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này thường xuất hiện từ 2 – 5 ngày của bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Những triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Những nốt này tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày). Sau đó chúng có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Trẻ có thể lui bệnh trẻ hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày hoặc có biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn,…dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cách chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng

Trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ < 38,50C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ như sau: Uống thuốc theo toa bác sĩ: hạ sốt, giảm đau, đa sinh tố. Hạ sốt khi sốt > 380C bằng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống) có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại.

Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay,… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel hoặc trimafort,…cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml /lần. Việc này để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách.

Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích và cách lý với trẻ khác.

Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Lúc nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Phụ huynh lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm:

Khi bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao cần đưa trẻ đến bệnh viện
Khi bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao cần đưa trẻ đến bệnh viện

Sốt cao

Thở bất thường

Quấy khóc liên tục

Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà

Giật mình, hốt hoảng, chới với

Ngồi không vững hoặc đi loạng choạn.

Run tay, chân hoặc co giật

Vả mồ hôi

Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú

Yếu tay chân

Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh, chủ yếu là phòng ngừa tổng quát, phụ huynh lưu ý:

Mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông. Đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt khăn trải giường của trẻ.

Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà.

Lau sàn bằng nước xà bông.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!